Nếu một bản phân tích ngành chi tiết cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về ngành kinh doanh, một chiến lược doanh nghiệp vững chắc giúp bạn khẳng định mình và tạo ấn tượng trong tâm trí khách hàng. Thì một chiến lược sản phẩm tốt phác thảo cách bạn định giải quyết người dùng và nhu cầu của họ. Nó cung cấp một khuôn khổ hướng dẫn việc phân bổ các nguồn lực. Mỗi chiến lược sản phẩm trông khác nhau tùy thuộc vào quy mô và giai đoạn kinh doanh của bạn, sự trưởng thành của sản phẩm, bản chất của thị trường và thâm niên của người tạo ra nó. Khi thực hiện các bước phát triển chiến lược sản phẩm của mình , bạn sẽ cần xem xét điều gì thực sự tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm và sự khác biệt đó đóng góp như thế nào vào chiến lược kinh doanh tổng thể của bạn.
Hiểu gì về chiến lược sản phẩm?
Chiến lược sản phẩm là một kế hoạch vạch ra những gì doanh nghiệp hy vọng đạt được với sản phẩm của mình, những gì doanh nghiệp cần để đạt được điều đó và cách kế hoạch này phù hợp với các mục tiêu kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.
Nhiều người lầm tưởng giữa quá trình phát triển sản phẩm và chiến lược phát triển sản phẩm. Tuy nhiên hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Quá trình phát triển sản phẩm bao gồm các giai đoạn phát triển sản phẩm trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ hình thành ý tưởng và phát triển, đến thử nghiệm và tung ra thị trường cho khách hàng. Chiến lược phát triển sản phẩm là sự kết hợp dữ liệu nghiên cứu thị trường và khách hàng hiện có, chiến lược tiếp thị với chu kỳ phát triển sản phẩm, hướng đến các mục tiêu lâu dài của công ty.
Chiến lược phát triển sản phẩm có thể cải thiện doanh số bán sản phẩm, tăng trưởng kinh doanh, hỗ trợ chuyển sang thị trường mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Hơn nữa, đối với các công ty mới thành lập, chiến lược sản phẩm đặt nền tảng cho các hoạt động trong tương lai, giúp họ xác định các cơ hội mới để phát triển.
Các yếu tố quyết định một chiến lược sản phẩm xuất sắc
Mặc dù mỗi doanh nghiệp sẽ có một chiến lược sản phẩm khác nhau, song chúng đều cùng chung các yếu tố:
1. Thiết kế sản phẩm
Thiết kế sản phẩm truyền đạt sản phẩm của bạn là gì và nó sẽ tác động như thế nào đến trải nghiệm của khách hàng. Thiết kế sản phẩm tốt thu hút khách hàng tiềm năng và giúp sản phẩm của bạn khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Và muốn làm được điều đó, điều tất yếu bạn phải đi sâu vào phân tích thị trường để hiểu được thị trường mục tiêu của mình.
2. Tầm nhìn sản phẩm
Tầm nhìn sản phẩm cho phép các bên liên quan hiểu được mục tiêu sản phẩm của bạn và cách nó sẽ giúp công ty của bạn gia tăng giá trị. Một tầm nhìn sản phẩm tốt nên tập trung vào các kết quả và lợi ích lâu dài mà bạn muốn thấy trong sản phẩm của mình. Hay như Roman Pichler (chuyên gia quản lý sản phẩm nổi tiếng quốc tế chuyên về chiến lược sản phẩm) đã đề cập trong cuốn sách của mình về Chiến lược sản phẩm và Thực tiễn Lộ trình sản phẩm cho kỷ nguyên kỹ thuật số : “Tầm nhìn của bạn mô tả lý do cuối cùng để tạo ra sản phẩm”. Tầm nhìn sản phẩm cũng là bước đầu tiên trong việc xác định mục tiêu chiến lược và xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm của bạn.
3. Lộ trình sản phẩm
Lộ trình sản phẩm giúp bạn thiết lập tiến trình xây dựng sản phẩm và các tính năng của sản phẩm. Nó giúp theo dõi tiến độ và đảm bảo rằng sự phát triển theo kịp các mục tiêu chính và mục tiêu kinh doanh.
4. Tính năng sản phẩm
Tính năng sản phẩm là những dịch vụ chính của sản phẩm, nhằm tăng giá trị cho khách hàng dựa trên nhu cầu của họ. Mô tả các tính năng của sản phẩm giúp bạn xác định và giới thiệu các lợi điểm bán hàng độc nhất (USP) để phân biệt sản phẩm của bạn với các đối thủ cạnh tranh.
5. Mục tiêu sản phẩm
Mục tiêu sản phẩm (cả dài hạn và ngắn hạn) bao gồm các kế hoạch chiến lược marketing, chiến lược bán hàng, dịch vụ khách hàng… Những mục tiêu này giúp đặt ra thời hạn cho các nhiệm vụ và theo dõi lộ trình sản phẩm của bạn trong các khoảng thời gian khác nhau.
Hãy coi chiến lược sản phẩm như một kế hoạch hành động cấp cao cho chiến lược kinh doanh của bạn. Nó là một chiến thuật, chỉ ra các bước bạn cần thực hiện để đạt được chiến lược kinh doanh của mình. Chiến lược sản phẩm của bạn tổng hợp kết quả từ giai đoạn 1: phân tích ngành và giai đoạn 2: chiến lược doanh nghiệp, lấy đó làm cơ sở vạch ra những công việc bạn cần làm với sản phẩm/ dịch vụ của mình để đạt được các mục tiêu mong muốn. Khi chiến lược kinh doanh đủ vững chắc, chiến lược sản phẩm đúng hướng, bạn có thể bắt tay vào triển khai kế hoạch kinh doanh của mình một cách nhanh chóng.